Những công trình kiến trúc đặc trưng đại diện cho văn hóa Bắc Ninh


3281 lượt xem

Bắc Ninh là tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc. Thành phố Bắc Ninh nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 30 km về phía đông bắc. Phía Tây và Tây nam tỉnh Bắc Ninh giáp với một phần của Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông và Đông Nam giáp Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên. Bắc Ninh nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, đồng thời có hệ thống giao thông cơ sở hạ tầng đồng bộ thuận lợi để phát triển trên mọi lĩnh vực dịch vụ, kinh tế,…

Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với nền văn minh sông Hồng, nơi đây còn từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo cổ xưa nhất Việt Nam. Bắc Ninh có nền văn hóa nhân văn đặc sắc, một vùng đất văn hiến lâu đời có nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống. Những dấu ấn lịch sử sống động truyền thống văn hóa Việt Nam, đậm đà bản sắc Kinh Bắc, được kết tinh trong những di sản văn hoá, các lễ hội dân gian. Bắc Ninh là địa phương thứ 3 xây dựng văn miếu có quy mô và tổ chức trang trọng.

Văn miếu Bắc Ninh với 677 vị đại khoa, chiếm 1/3 tổng số vị đại khoa của cả nước đã được vinh danh. Văn miếu Bắc Ninh với những trang lịch sử văn hóa, giáo dục còn lưu giữ được cho đến ngày nay là những cứ liệu vô cùng giá trị của nền văn minh ở vùng Kinh Bắc, nơi có thành cổ Luy Lâu, nơi đây Sĩ Nhiếp lần đầu dạy người Việt học chữ. Chùa Bút Tháp, Chùa Phật Tích, Chùa Dâu là những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam. Bắc Ninh với các làn điệu dân ca quan họ, các làng nghề như: làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, rèn sắt Đa Hội,…

Làng gốm Phù Lãng
Làng gốm Phù Lãng

Cùng với các di tích lịch sử đáng kể có Đề Lý bát đế ( Đền Đô ) – thờ tám vị vua triều Lý, đình Đình Bảng, chùa Phật Tích. Bắc Ninh có nhiều đặc sản Bắc Ninh như bánh phu thê Đình Bảng, bánh tẻ làng Chờ, bánh khúc làng Diềm, bánh đúc Đình Tổ, nem Bùi ( làng Bùi xá ), rượu nếp làng Cẩm, tương Đình Tổ, bánh tro,… Con người Bắc Ninh mang trong mình truyền thống văn hóa, hiếu khách, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian.

Bắc Ninh mang một trong mình không gian làng xã Việt Nam bên cạnh những giá trị văn hóa tinh thần to lớn được cất giữ trong đó, đó là những khối di sản kiến trúc, đó là những tác phẩm nghệ thuật thực thụ tiêu biểu và sáng giá ở xứ Kinh Bắc nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Việc gìn giữ và phát huy giá trị đó càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt các di sản tại nhiều địa phương làm cho quỹ di sản vật thể và phi vật thể ấy đang bị mai một hoặc bị chuyển đổi chức năng, đặc biệt là trong thời kỳ đối mới và hội nhập.

Vì vậy cần thiết phải có ngay những định hướng và giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của làng truyền thống Việt Nam đảm bảo phù hợp với quy hoạch và xây dựng không gian làng cổ truyền Việt Nam thích ứng với thực tiễn đổi mới của đất nước ta hiện nay mà vẫn dựa trên cơ sở phát huy những giá trị tích cực của hương ước và điều lệ quản lý. Cùng chúng tôi điểm qua các công trình kiến trúc đặc trưng đại diện cho nền văn hóa văn hiến lâu đời tại Bắc Ninh. Cụ thể như sau:

1Chùa Bút Tháp

Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Chùa Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Khi nhắc đến Chùa Bút Tháp người ta sẽ nhớ ngay đến ngôi chùa nằm ven sông Đuống trù phú quanh co uốn lượn với những bãi ngô bạt ngàn, những luống trồng đậu xanh mướt. Ngôi chùa có tên chữ là ” Ninh Phúc tự “, thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa được xem là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn gìn giữ khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh về lối kiến trúc sơ khai ban đầu, là địa chỉ hành hương của phật tử bốn phương.

Chùa được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê, theo kiểu kiến trúc ” nội công ngoại quốc “. Đây là ngôi chùa được tu tạo vào thời kỳ nở rộ của lối kiến trúc ” trăm gian “, Ninh Phúc tự có quy mô bề thế hơn so với những ngôi chùa được xây dựng cùng thời.

Kiến trúc của chùa quay theo hướng nam, mà theo đạo Phật đây là hướng của trí tuệ, của bát nhã nằm trên một dải đất hơn 100m. Kiến trúc của chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên ở khu vực xung quanh. Khu trung tâm bao gồm 8 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc kiểu mô hình đường thần đạo. Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng tám mái, kế đó là tòa Tiền Đường, Thiêu Hương, nhà Thượng Điện, Cầu Đá, toà Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, nhà Hậu Đường và kết thúc là hàng tháp đá sau nhà Hậu Đường, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chiết Tuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chiết Tuyết. Hai bên dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang chạy suốt chiều dài của chùa.

 

Mỗi công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với hạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu khác nhau như: gỗ, đá, gạch… thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên. Nghệ thuật điêu khắc đã đạt đến trình độ tinh xảo như hình rồng phượng trên xà nhà thiêu hương, cò bay trên đầm sen, cá lội, trẻ chăn trâu,…

Nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo. Từ Thượng Điện, đi qua cầu đá là đến Tích Thiện Am. Tòa Tích Thiện Am có nghĩa là chứa điều lành, trong đó Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa – tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo.

Tượng phật nghìn mắt nghìn tay
Tượng phật nghìn mắt nghìn tay

Chùa Bút Pháp còn được du khách thập phương biết đến với tượng phật nghìn mắt nghìn tay. Tượng cao 3,7m ngang 2,1m có 11 đầu, 46 tay lớn và 9954 tay nhỏ dài ngắn khác nhau. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Tượng phật nghìn mắt nghìn tay đặt trên tòa sen, với dáng hành đạo thư thái.

Tòa bảo tháp " Báo Nghiên " vươn mình giữa bầu trời xanh của xứ Kinh Bắc
Tòa bảo tháp ” Báo Nghiên ” vươn mình giữa bầu trời xanh của xứ Kinh Bắc

Tòa tháp ” Báo Nghiêm ” cao lớn bằng đá, uy nghiêm, vươn lên trời xanh nổi bật giữa vùng đồng bằng rộng lớn. THáp Báo Nghiêm giống như một cây bút khổng lồ vươn thẳng lên trời cao, cao 13,05m 5 tầng với đỉnh tháp bằng đá xanh. Xung quanh tòa tháp được trang trí hoa văn sinh động, độc đáo 5 góc của 5 tầng là các quả chuông nhỏ. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa. Lùi về phía sau có tháp Tôn Đức cao 11m, nơi đặt xá lợi thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Tháp được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá, mới đây trong lòng tháp người ta vừa tìm thấy được 2 cuốn sách đồng cổ viết kinh Phật.

Cảnh quan chùa được bố trí hài hòa, cùng khu vườn rộng trồng cây xanh tỏa bóng mát. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Trung Hoa với lối kiến trúc dân gian truyền thống của đất nước Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn riêng của ngôi chùa Bút Tháp. Từ thế kỷ 17 đến nay Bút Tháp vẫn sừng sững đứng như một minh chứng cho nền văn hóa văn hiến lâu đời của vùng đất Kinh Bắc. Không chỉ sở hữu nét kiến trúc độc đáo mà đây là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung với khối kiến trúc nguyên vẹn.

Cảnh quan chùa được bố trí hài hòa, khu vườn rộng trồng cây xanh tỏa bóng mát. Nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa với lối kiến trúc dân gian truyền thống của Việt Nam, nên chùa Bút Tháp có nét riêng và độc đáo. Mấy thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

2Chùa Dâu

Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh
Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh

Chùa Dâu còn có tên gọi khác là Cổ Châu tự, Pháp Vân tự, Diên Ứng tự,… tại thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Chùa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ( Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013 ). Theo như các sử sách cũ ghi lại, Chùa Dâu được xây dựng vào thế kỷ II đầu công nguyên. Đồng thời đây được coi là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta và hiện nay vẫn còn lưu giữ những dấu tích gắn với quá trình hình thành, phát triển Phật Giaso Việt Nam.

Chùa được xây dựng trên một khu đất lớn hướng về phía Tây, có bình đồ kiến trúc giống với chùa Bút Tháp là: ” nội công ngoại quốc “. Chùa được chia làm nhiều hạng mục khác nhau như sau: tam quan, tiền thất ( bái vọng đường ), tháp Hòa Phong, Tam bảo, hậu đường, dãy nhà hành lang ở hai bên chùa cùng với các công trình phụ trợ như: nhà Mẫu và Tổ, nhà khách, hệ thống tường bao, vườn tháp, ao chùa.

Tam quan:

Gồm 3 gian, bộ khung gỗ gác trên 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc kiểu ” con chồng, giá chiêng, cốn, bẩy “. Các cấu kiện đều được bào trơn đóng bén, mái lợp ngói, tường hồi bít đốc, mở thông thoáng cả 3 gian.

Tiền thất ( Bái Vọng đường ):

Gồm 7 gian, 2 chái, với mái lợp ngói, đầu đao cong, bộ khung gỗ, các vì nóc nhà đều được kết cấu theo dạng ” tiền kẻ, hậu kẻ, câu đầu, trụ nóc “, tì lực trên 4 đầu cột. Hầu hết cấu kiện ở tòa này đều được bào trơn đóng bén, chỉ có những đầu kẻ ở gian giữa được chạm hoa lá cách điệu. Nội thất bày một số bộ bàn ghế để khách thập phương sắp lễ, trước khi vào lễ Phật.

Tháp Hòa Phong:

Tương truyền Chùa Dâu được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trùng tu xây tháp cao 9 tầng, nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m. Tầng thứ nhất, mỗi cạnh rộng 6,75m, cao 4,5m, bốn mặt đều có cửa, xây cuốn vòm. Tầng thứ hai cao 4m, mỗi cạnh rộng 6,15m, có 4 cửa cuốn vòm. Trên cùng là vòm mái, được xây cuốn bằng gạch, dánh khum như long đình. Đỉnh tháp được tạo hình như một bình nước cam lộ.

Trong lòng tháp, phía dưới có bệ thờ ” Tứ trấn ” ( Tứ Thiên Vương ), bằng gỗ phủ sơn, cao 1,60m. Phía trên treo khánh đồng, chuông đồng. Phía trước tam cấp cửa phía Tây có 2 tượng sóc đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Bên trái có một tượng cừu đá ( dấu ấn của văn hoá phương Bắc, phản ánh sự hiện diện của Thái thú Sĩ Nhiếp khi đóng trị sở ở thành Luy Lâu ). Trên tháp Hoà Phong hiện còn một tấm biển bằng đá xanh gắn ở phía Tây ( tầng hai ) có đề 3 chữ ” Hòa Phong tháp “.

Tiền đường:

Được dựng trên nền thấp hơn thượng điện 0,60m có chiều rộng 9,50m; chiều dài 21m cao khoảng 0,37. Tiền đường gồm: 7 gian, 2 chái, 2 hồi xây bít theo kiểu cột trụ cánh phong. Toà này có 8 bộ vì kèo kiểu ” câu đầu, trụ, nóc, cốn, tiền kẻ, hậu bẩy ” kết cấu khung đỡ mái tì lực trên 32 đầu cột. Trên các đầu kẻ, bẩy, cốn đều được chạm nổi hoa văn dạng mây lá, tứ linh, tứ quý, triện dây. Trước nền nhà là tam cấp chạy suốt 5 gian giữa. Ở gian chính giữa có 2 thành bậc đá chạm rồng, dài 2,15m, cao 0,65m, mang phong cách nghệ thuật thời Trần. Tại tiền đường có các ban thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương.

Thiêu hương:

Thiên hương ( hay còn được gọi là ống muống, nối liền thượng điện và tiền đường có chiều dài 9,40m rộng 5,55m mặt nền thấp hơn thượng điện. Hệ thống đỡ hoành mái gồm 4 bộ vì, mỗi vì đều được gác trên 4 đầu cột. Trong tòa này đặt các ban thờ Thập điện Diêm Vương, Mạc Đĩnh Chi và Thái tử Kỳ Đà.

Thượng điện:

Được xây dựng trên nền cao 1,27m có mặt bằng hình chữ nhật, dài 13,90m rộng 10,65m gồm 1 gian, 2 chái, với 4 bộ vì, 4 mái đao cong. Đặc biệt, tại Thượng điện còn bảo lưu được hai bộ vì nóc kiểu ” giá chiêng “, với khoảng giữa gắn hình lá đề chạm nổi đôi rồng chầu mặt trời và hai trụ trốn bên chạm nổi hình phỗng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là những bộ phận trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Trần, đồng thời cũng có nhà nghiên cứu lại cho rằng kiến trúc mang phong cách nghệ thuật thời Mạc, tương tự như ở chùa Thái Lạc và Bối Khê. Thượng điện có các ban thờ Pháp Vân, tượng Bà Trắng, Bà Đỏ, Thạch Quang Phật, Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn…

Hậu đường:

Hậu đường gồm 9 gian, 2 dĩ bộ khung gỗ, vì nóc được kết cấu theo kiểu ” trụ, quá giang, kẻ “. Đây là nơi thờ Đức ông, Quan Âm, Thánh Hiền, Địa Tạng Vương, Hậu Phật. Trung tâm điện Phật có các tượng Tam Thế, Quan Âm chuẩn đề.

Nhà Tổ: 

Nhà Tổ nằm sát bên trái hậu đường, tòa nhà thờ Tổ và thờ Mẫu. Là tòa nhà 5 gian, tường hồi bít đốc, bộ khung gỗ, vì kèo kiểu ” con chồng, giá chiêng, kẻ truyền “.

Nhà khách:

Nhà khách gồm 7 gian, tường xây bít đốc, bộ khung gỗ lim, vì nóc kiểu ” con chồng, giá chiêng, quá giang, bẩy “.

Vườn Tháp: 

Vườn tháp có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, nhưng đến hiện nay chỉ còn 8 tháp gạch của các vị sư từng tu tại chùa.

Chùa dâu luôn mang lại cho du khách những dấu ấn kiến trúc, điêu khắc của nhiều thời kỳ lịch sử với hệ thống tượng pháp mang nghệ thuật đặc sắc của thời Lê – Nguyễn, đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp. Đây là một minh chứng sống động của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ khi du nhập vào nước ta với tín ngưỡng bản địa của người Việt, đã tạo nên một trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo mang bản sắc dân tộc

3Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích

Chùa Phật Tích còn có tên là ” Vạn Phúc Tự “, nằm ngay dưới chân núi Phật Tích ( còn gọi là Lạn Kha, Non Tiên,… ) đoạn cuối của dãy núi Nguyệt Hằng thuộc thôn Phật Tích, huyện Tiên Du. Theo sách ” Đại Việt Sử ký toàn thư ” và các di vật cổ tìm thay ở khu vực chùa thì Vạn Phúc Tự được xây dựng vào năm Đinh Dậu niên hiệu Long Thuỵ, Thái Bình thứ IV đời vua Lý Thanh Tông ( 1057 ). Chùa tựa vào núi, quay về hướng tây nam, nhìn ra sông Đuống lấp lánh ánh bạc.

Pho tượng phật A di đà: Theo các chuyên gia thì kho tượng phật A di đà là tác phẩm điêu khắc thời Lý. Thân được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối, cẩ phần thân tượng và phần bệ có chiều cao là 4,7m. Tượng được tạc trong tư thế ngồi kết già trên tòa sen. Hai tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt lên đùi. Lớp áo bên ngoài buông xuống phủ kín đôi chân, thân tượng thanh mảnh, ngồi với tư thế hơi dướn lên phía trước, khuôn mặt hiền dịu, đầy nữ tính, khẽ mỉm cười.

Tượng A Di Đà được đặt trên bệ tòa sen bằng đá. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen được tạo hình các đóa sen đang nở với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình đôi rồng đang vờn nhau, ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm được chạm những chùm hoa dây mềm mại. Cuống hoa có nhiều người leo trèo. Mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Tất cả đều rất tỷ mỷ, sống động.

Tượng mình người đầu chim đang vỗ trống: Tượng được tạc bằng chất liệu đá xanh. Khuôn mặt tượng phúc hậu hiền từ, toát lên vẻ trí tuệ và thánh thiện. Cặp lông mày cong thanh tú, đôi mắt nhỏ mơ màng, đôi má bầu bĩnh, ngực nở, cổ tay tròn, mập mạp, đôi cánh xòe rộng, bộ lông đuôi dài hất ngược lên, hai chân cứng khỏe với những móng cong sắc. Tượng người – chim có bộ lông mượt mà các phần cánh, đuôi, bụng, chân được diễn tả bằng những đường uốn cong, mềm mại,… Trên búi tóc tượng người – chim có cài những dải hoa và kết thành dải dài để giữ lấy làn tóc trên trán. Tượng người – chim đeo trống cơm trước ngực, có lẽ là hình ảnh của thần nhạc công.

Chân cột bằng đá chạm hình ảnh dàn nhạc đang hoạt động: Chân tảng đá được chạm nổi ở cả bốn mặt, tạo thành những mảng bố cục theo chiều ngang. Lấy điểm giữa là một bông sen, tác phẩm điêu khắc chia thành hai phần đối xứng qua bông sen ấy, mỗi bên có 5 người, trong đó có 4 nhạc công và một người dâng lễ. Cả 8 nhạc công đều trong tư thế đang vừa nhảy múa vừa sử dụng nhạc cụ trên tay. Những nhạc cụ mà các nhạc công sử dụng là trống cơm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thập lục, tiêu, sáo, nhị, trống da.

Các nhạc công trên bức chạm đều có thân hình chắc khỏe, uốn lượn duyên dáng. Như để tăng thêm cảnh tượng huyền ảo, ở các khuỷu tay, khuỷu chân các nhạc công, nghệ sĩ chạm khắc chạm những tua lửa tung bay, uốn lượn, và trên đầu họ có rất nhiều bông hoa nhỏ đang rơi lả tả, đồng thời, dưới chân các nhạc công có những lớp sóng nhấp nhô. Tất cả dường như đều vui chung với giai điệu do dàn nhạc cử lên.

Hàng linh thú trước sân chùa: Mười linh thú gồm 5 đôi: sấu, ngựa, trâu, voi, sư tử. Những con vật này đều gắn bó hoặc có liên quan đến cuộc đời và nghiệp truyền đạo của đức Phật Thích ca Mâu ni. 10 linh thú trước sân chùa Phật Tích đều được tạc bằng đá nguyên khối ( trừ con trâu ). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Cả 10 linh thú đều được đặt trên bệ đá hoa sen với số đo 1,7 x 0,8 x 0,36 mét. Các linh thú có chiều cao xấp xỉ 1,2 mét. Còn chiều dài của chúng có chênh lệch nhau một chút: ngựa, trâu và sư tử dài 1,50 mét, sấu 1,60 mét, voi 1,80 mét. Các linh thú đều được tạo ở tư thế nằm, dáng béo khỏe. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 10 linh thú ở chùa Phật Tích là tác phẩm điêu khắc thời Lý.

4Đền Đô

Hồ bán nguyệt tại Đền Đô
Hồ bán nguyệt tại Đền Đô

Đền Đô ( còn có tên gọi khác là Đền Lý Bát Đế ) là nơi thờ phụng tám vị vua triều Lý, nằm trên địa phận xã Đình Bảng, Bắc Ninh cách Hà Nội khoảng 15 km trên trục quốc lộ 1A hướng đi Lạng Sơn. Đền Đô xứng đáng là một danh thắng nổi tiếng xứ Kinh Bắc với vai trò một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa và mỹ thuật cao. Đền ban đầu được xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỉ 11, dưới thời vua Lý Công Uẩn nằm trên một khuôn viên rộng lớn tới trên 3 ha với trên 20 hạng mục công trình. Trải qua bao thăng trầm thời gian, đền được mở rộng vào các đời Trần, Lê và bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp và được tôn tạo gần như nguyên vẹn dáng vẻ cũ từ những năm cuối thế kỉ 20.

Kiến trúc chủ đạo của quần thể di tích đền Đô được xây dựng theo lối kiến trúc ” nội công ngoại quốc ” với hai khu vực nội thành và ngoại thành, mô phỏng kiến trúc của cung đình phong kiến xưa. Đền quay về hướng Tây Bắc, nhìn ra một hồ bán nguyệt lớn với tòa thủy đình lộng lẫy nằm giữa hồ nhìn sang nhà bia – nơi ghi chép lịch sử của ngôi đình.

Bước qua Ngũ Long Môn ( cổng tam quan với năm hình rồng chạm đá tinh xảo ) là một sân rộng, nơi đặt lư hương hướng vào nhà phương đình bày hương án với đôi voi đá cỡ lớn chầu trung tâm.

Đền Đô Bắc Ninh
Đền Đô Bắc Ninh

Tiếp giáp với phương đình là nhà tiền tế – nơi diễn ra các đại lễ long trọng đồng thời cũng là nơi trưng bày chiêng trống, đồ tế khí, nghi trượng.

Hậu cung nằm phía sau là nơi đặt tượng thờ các vị vua Lý với dáng vẻ oai nghiêm, sinh động nối với nhà phương đình qua nhà chuyển bồng ( nhà chuyển tiếp đồ tế lễ ). Riêng điện thời vua Bà Lý Chiêu Hoàng chếch về phía bên phải đại điện nối liền với dãy nhà khách. Bố cục của quần thể đền Đô khiến ta liên tưởng đến kiến trúc của triều đình xưa với tả hữu ban văn võ chia thành hai khu đối xứng là văn chỉ và võ chỉ, nơi thờ các công thần triều Lý như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành

Với một cảnh quan rộng lớn, được chia thành các biệt khu, Đền Đô mang lại cho du khách hành hương nhiều cảm giác khác nhau: đại điện hoành tráng, hậu cung trang nghiêm, thủy đình thư thái, văn bia tịch mịch. Xen lẫn trong gió là mùi hương trầm ấm áp, hương ngọc lan thoang thoảng, đưa ta vào cõi suy tưởng về một triều đại anh hùng với những võ công văn trị kiệt xuất với tư tưởng Phật giáo từ bi. Ngoài những giá trị văn hóa, lịch sử, đền Đô là một công trình kiến trúc đặc sắc với nghệ thuật điêu khắc đá ( rồng, voi, ngựa, lân ), điêu khắc gỗ ( lân, chạm lộng hình rồng, họa tiết trang trí ), tạc tượng thờ và xây dựng ( hệ thống cột trụ, mái đao ) đều đạt ở mức tinh xảo.

5Văn miếu Bắc Ninh

Văn miếu Bắc Ninh
Văn miếu Bắc Ninh

Văn miếu Bắc Ninh được khởi công xây dựng tại vùng núi sơn phận Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giang, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vào thời Lê Sơ. Đến năm 1893 Văn miếu được chuyển về núi Phúc ( Phúc Đức ) ngày nay là khu 10, phường Đại Phúc, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Những di vật đặc sắc của Văn Miếu Bắc Ninh hiện còn là 12 tấm bia đá lưu danh đầy đủ họ tên, chức tước, học hàm, học vị của 677 vị đại khoa. Ngoài giá trị lịch sử, những tấm bia còn có giá trị lớn về nghệ thuật điêu khắc thể hiện quan điểm mỹ thuật và tài năng của nhân dân Kinh Bắc ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Anh Phạm Văn Thưởng, Cán bộ Ban Quản Lý di tích tỉnh chia sẻ: ” Hệ thống bia đá của Văn Miếu Bắc Ninh không thuần túy là những phiến đá mang ý nghĩa về mặt vật chất mà đó còn là bằng chứng khẳng định sự tôn vinh của nhà nước phong kiến đối với những người tài giỏi, đồng thời là tấm gương để thế hệ trẻ hôm nay cũng như sau này nhìn vào đó thấy được bề dày truyền thống khoa cử của quê hương mà có ý thức, động lực noi gương tiền nhân trong học tập, công tác, trở thành người tài giỏi, gánh vác việc non sông đất nước…”

Những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích quan trọng này thường xuyên nhận được sự quan tâm, đầu tư trùng tu tôn tạo của các triều đại phong kiến xưa và các cấp, các ngành, nhân dân trong tỉnh ngày nay. Để tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng không gian Văn Miếu xứng tầm với bề dày truyền thống văn hiến, khoa bảng của vùng đất Bắc Ninh ” địa linh nhân kiệt ” cần có thời gian và tầm nhìn dài hạn.

6Đình Đình Bảng Bắc Ninh

Đình Đình Bảng Bắc Ninh
Đình Đình Bảng Bắc Ninh

Đình Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu ” chữ đinh “. Toà đại đình dài 20m, rộng 14 m, cao 8 m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5 m tổng chiều cao.

Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa và trang trí điêu khắc dày đặc.

Đình Bảng có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái ( gian phụ ). Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh.

Nóc đình cao tới 8 mét với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân ( mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình ) tạo nên cảm giác bề thế. Đình lợp ngói mũi hài và có các đầu đao vươn xa nhất trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam. Đình có cửa bức bàn bao quanh.

7Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh

Khác với các lối kiến trúc đình, chùa phía trên thì Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh lại mang trong mình một phong cách khác biệt hơn. Nhà thờ chính tòa giáo phận Bắc Ninh được khởi công xây dựng từ năm 1889. Thời Đức cha Antonio Lễ – Giám mục tiên khởi, Ngài đã chọn địa điểm, mua đất và xây dựng nhà thờ cùng với Tòa Giám Mục. Đến năm 1892 ” nhà thờ mẹ của mọi nhà thờ trong giáo phận ” được khánh thành. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành điểm hẹn quy tụ mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận. Hơn một trăm năm qua, ngôi thánh đường ấy đã trở thành biểu tượng hiệp thông của cả giáo phận miền Kinh Bắc.

Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh nhìn từ trên cao
Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh nhìn từ trên cao

Nhà thờ Chính tòa Bắc Ninh được xây dựng theo lối kiến trúc Baroque – một phong cách kiến trúc độc đáo được hình thành vào thế kỉ XVI. Chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ 121 tuổi, ta có thể thấy đó là thành quả của sự khéo léo kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố. Lối kiến trúc độc đáo ấy đã đem lại cảm giác linh thiêng hơn. Nhìn vào lòng nhà thờ như thấy sâu hơn, dài hơn, rộng hơn so với diện tích thực, có lẽ nhờ vậy mà mỗi khi bước chân vào sảnh đường chiêm ngắm nguyện cầu, trong tâm trí mỗi người đều có cảm nhận như đang đi lạc vào một thế giới khác.

Trong quá trình trùng tu, các đấng bậc cũng như kiến trúc sư cùng đơn vị thi công đã nỗ lực cố gắng phục chế và giữ nguyên trạng những thiết kế ban đầu. Dù được sơn sửa mới nhưng vẻ trầm mặc, rêu phong của ngôi thánh đương xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19 không hề mất đi mà còn được làm sáng rõ. Những đặc điểm riêng biệt mà chỉ có nơi nhà thờ Bắc Ninh cũng được chú ý khai thác triệt để và tối ưu.

Giờ đây, trên những ô cửa lớn nửa hình tròn ( một đặc trưng của lối kiến trúc Baroque ) đã được trang điểm thêm các bức tranh kính khắc họa chân dung 4 vị Thánh sử và diễn tả 20 mầu nhiệm kinh Mân côi. Nhờ thiết kế mới này mà ngôi nhà thờ trở nên một cuốn Tin mừng thu nhỏ sống động, dễ hiểu.

Đặc biệt gian cung thánh nhà thờ chính tòa Bắc Ninh hiện nay cũng được thiết kế một cách rất độc đáo. Phía dưới chân tượng Thánh giá được trang điểm bằng những mảnh gỗ hương đỏ quý hiếm hình thoi xếp chồng lên nhau. Tâm điểm của gian cung thánh là cây Thánh giá cũng được làm bằng gỗ hương và tượng Chịu nạn được trạm trổ bằng gỗ Pơmu.

Điểm độc đáo nữa của nhà thờ Bắc ninh là bàn thờ chính, bàn lễ cũng được làm bằng gỗ hương đỏ quý nguyên khối, xung quanh bàn lễ được khắc họa chân dung 12 thánh tử đạo Bắc Ninh và tên 100 vị đầu mục tử đạo. Từ đây, trong mọi Thánh Lễ, mọi giờ kinh, giờ cầu nguyện của giáo phận các Ngài sẽ cùng hiện diện và cầu thay nguyện giúp. Lối thiết kế này đã phần nào diễn tả được mầu nhiệm hiệp thông trong toàn thể Hội Thánh, từ các bậc tiền nhân đến các thế hệ cháu con đang sống ở hiện tại cùng trở nên một thân thể với Đức Kitô.

Trà Giang ( Thực hiện )

 

 

 

Kiến trúc bắc ninh, vẻ đẹp bắc ninh
Chung cư Green Pearl Bắc Ninh sắp ra mắt khách hàng
Bí quyết dọn nhà đón Tết siêu sạch và tiết kiệm thời gian

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.

Khu đô thị hinode Royal Park Hanoi đang trong quá trình xây dựng các phân khu, hoàn thiện giao thông nội khu và các tiện ích. Dự kiến dự án sẽ mở bán vào đầu quý II/2020 với giá bán và chính sách bán hàng hấp dẫn. Các hạng mục chính của dự án Hinode Royal Park: biệt thự – liền kề, shophouse, chung cư…