Phượng Hoàng cổ trấn và vẻ đẹp bất biến từ hơn 1000 năm trước


1937 lượt xem

Trung Quốc được biết đến như một đất nước có nhiều công trình kiến trúc cổ xưa nổi tiếng. Trong đó không thể bỏ qua Phượng Hoàng trấn khoác lên mình chiếc áo cổ kính tách biệt với nhịp sống hối hả bên ngoài. Sự hấp dẫn của Phượng Hoàng Cổ Trấn đến từ việc bảo tồn khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa và lịch sử trước sự tàn phá của thời gian.

Nguồn gốc tên gọi Phượng Hoàng Cổ Trấn gắn với một đôi chim phượng hoàng, vốn đã tu luyện ngàn năm bên cạnh Đức Phật. Vào một ngày nọ, đôi chim chứng kiến vùng đất nơi đây chìm trong hỏa hoạn rất nguy kịch. Xót thương cho người dân, đôi chim đã cùng nhau lao vào lửa nguyện hy sinh mạng sống để cứu mảnh đất này. Từ đó vùng đất này có tên là ” Phượng Hoàng trấn “.

Phượng Hoàng cổ trấn thuộc địa phân của huyện Phượng Hoàng, Châu tự trị người Thổ gia ở miền núi phía Tây của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nơi đây là khu vực tự trị của dân tộc ít người Hồi, Thổ Gia, Mèo ( Miêu ),… và hiện nay cổ trấn đang là một trong những điểm thu hút đông đảo sự quan tâm của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, trong đó Việt Nam.

Phượng Hoàng cổ trấn
Phượng Hoàng cổ trấn
Phượng Hoàng cổ trấn dưới ống kính của các bạn trẻ
Phượng Hoàng cổ trấn dưới ống kính của các bạn trẻ

Vài nét về kiến trúc Điếu cước lâu

Phượng Hoàng Cổ Trấn nằm hai bên sông Đà Giang, ngôi trấn cổ còn lưu giữ nhiều thành quách, những dãy phố, những căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa. Với hơn 1.300 tuổi, Phượng Hoàng trở thành một trong những bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc.

Trấn Phượng Hoàng nội bật hơn các trấn khác vì nơi đây sở hữu kiểu kiến trúc ” Điếu cước lâu ” đặc sắc. Điếu cước lâu là một loại hình kiến trúc nhà ở dân gian mang nhiều sắc thái văn hóa địa phương độc đáo nhưng đến thời gian gần đây mới được giới kiến trúc, học giả của Trung Quốc quan tâm và tiến hành nghiên cứ chuyên sâu.

Điếu cước lâu là kiểu kiến trúc truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng lưu vực phía Nam sông Trường Giang, là kiểu kiến trúc nhà sàn có điểm khác biệt cơ bản với lại hình nhà sàn thông thường khác bằng kết cấu gỗ cột. Công trình theo lối kiến trúc điếu cước lâu là kiểu ” bán sàn ” nghĩa là một nửa sàn, nửa diện tích của nhà sẽ được dựa vào các điểm chống đỡ như sườn núi, mặt nước.

Kiến trúc Điếu cước lâu thường lựa chọn các khu địa hình cạnh các bờ sông, sườn núi với bề mặt dốc lớn. Tưởng chừng như kiểu bề mặt này sẽ thiếu chắc chắn cho ngôi nhà của bạn nhưng thực tế nó lại rất ổn định và an toàn.

Điếu cước lâu đem đến không gian sống hoàn hảo cho những người bản địa vốn phải chịu đựng sự phức tạp của địa hình, khí hậu ẩm ướt và hệ sinh thái phong phú như vùng Tây Nam Trung Quốc

Giống với các hình thức nhà sàn khác. Điếu cước lâu thường được xây cao từ 2-3 tầng. Tầng trệt dùng để chứa củi, dụng cụ lao động hoặc làm chỗ ở cho vật nuôi hoặc. các tầng cao hơn được dùng là nơi sinh hoạt chung cho cả gia đình với đầy đủ tiện nghi như giường ngủ gỗ cho phòng ngủ và bàn ghế cho không gian phòng khách.

Điếu cước lâu ở Phượng Hoàng cổ trấn là sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống dân tộc Miêu và văn hóa ” chính thống ” của người Hán

Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở tỉnh Hồ Nam – một tỉnh ít phải chịu ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Do đó kiến trúc cổ trấn Phượng Hoàng ngày nay còn giữ được khá nguyên vẹn cấu trúc thành thị của một đô thị lịch sử phương Đông điển hình.

Đó là những tòa thành cổ đóng vai trò trung tâm là nơi đặt các bộ máy hành chính quân sự của địa phương. Mặt Bắc của tòa thành là sông Đà Giang một chi lưu của sông Trường giang, chảy từ Tây sang Đông, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là tuyến giao thông đường thủy và nguồn nước chính cho dân cư trong thành. Trên cơ sở đó, các khu phố thị cũng dần dần được hình thành, tạo nên các đường phố trong, ngoài thành hoặc bám dọc theo bờ sông xuôi về phía Đông.

Khác với Giang Tô ( Tô Châu, Trung Quốc ) là mang đậm phong vị kiến trúc của người Hán thì Điếu cước lâu ở Phượng Hoàng cổ trấn lại là kiến trúc dân gian truyền thống của dân tộc thiểu số nhưng được đặt trong không gian đô thị Hán, chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Kiến trúc nơi đây đã có nhiều biến đổi để thích ứng với điều kiện tư nhiên, văn hóa xã hội nhưng cũng không mất đi hoàn toàn bản sắc riêng có. Chính nhờ các yếu tố tác động đó tạo nên nét khác biệt cùng với sự độc đáo riêng biệt cho loại hình kiến trúc nổi bật nhất Phượng Hoàng cổ trấn.

Để thích ứng với cuộc sống trên các sườn đồi sườn núi hay là bờ suối có độ dốc lớn nên việc lối kiến trúc Điếu cước lâu nhìn khá là chông chênh, nhưng thật ra lại có kết cấu tổng thể khá vững chắc và ổn định. Các ngôi nhà ở đây đều có những nét đặc trưng như cao từ 2 đến 3 tầng với các hàng hiên hay một phần không gian nhô ra ngoài. Tầng trệt được dùng làm nơi cho vật nuôi ở hoặc sử dụng làm chỗ chứa củi, dụng cụ sản xuất… còn các tầng trên dành cho sinh hoạt của gia đình. Với kiểu thức này, Điếu cước lâu tạo nên một nơi cư trú thích hợp cho con người ở những vùng có điều kiện địa hình sông suối phức tạp, khí hậu ẩm ướt, hệ động thực vật phong phú như miền Tây Nam Trung Quốc.

Sự pha trộn về cơ cấu dân cư, là nơi cư trú chung của các dân tộc Miêu, Thổ, Hán,… đã tạo nên một Phượng Hoàng cổ trấn có đền văn hóa đa dạng, một trung tâm chính trị kinh tế của cả vùng. Sau hơn nghìn năm xây dựng và bảo tồn Phượng Hoàng cổ trấn vẫn lưu giữ được thành quách, dãy phố, căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa.

Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân Trương Gia Giới nơi đây gắn liền với dòng sông Đà Giang, du khách đến với cổ trấn sẽ có cơ hội được trải nghiệm chèo thuyền tham quan cuộc sống của người dân. Ban đầu người dân chỉ sống ở một bên sông nhưng dần dần người dân địa phương chuyển sang bên kia bờ sông, trở thành điểm nhấn đặc trưng của vùng đất này.

Du khách đến với Phượng Hoàng cổ trấn sẽ có cơ hội được chèo thuyền tham quan cuộc sống của nhân dân hai bên bờ sông
Du khách đến với Phượng Hoàng cổ trấn sẽ có cơ hội được chèo thuyền tham quan cuộc sống của nhân dân hai bên bờ sông

1Đặc trưng cấu trúc tổng thể

Điếu cước lâu là kiểu nhà dân gian của các dân tộc thiểu số nên kiến trúc tổng thể nguyên thủy là những ngôi nhà riêng biệt, có khuôn viên và không gian xung quanh trong các làng bản. Ở Phượng Hoàng cổ trấn, cấu trúc tổng thể của chúng đã có sự biến đổi để thích ứng với tính chất đô thị, thể hiện ở bố cục kiểu nhà ” hàng phố ” ( gần giống với kiểu shophouse – nhà phố thương mại ) . Các ngôi nhà được bố trí liền kề, nối tiếp nhau thành dãy dài liên tục dọc hai bên bờ sông tạo nên các lớp không gian ” sông – nhà  phố – nhà ” hay ” sông – phố – nhà – phố ” quen thuộc của các đô thị cổ nằm cạnh sông suối ở Trung Quốc.

Lớp nhà sát hai bờ sông, mặt trước nhà hướng ra đường phố, mặt sau có sàn vươn ra sông và cột gỗ chống xuống nước hay nền đường nhỏ ven bờ. Khoảng vài chục mét lại có một ngõ nhỏ nối thông đường phố bên trên xuống đến các bến nước, nơi mọi người có thể giặt giũ, lấy nước, đỗ thuyền… Song song với con phố đường bộ thông thường, một tuyến phố đường thủy với trung tâm là dòng sông Đà giang được hình thành. Tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố đường thủy là kiến trúc mặt sau của các nhà Điếu cước lâu. Các kết cấu cột chống sàn, hàng hiên nhiều tầng với lan can gỗ, mái ngói đen, các hình ảnh đặc trưng của Điếu cước lâu thường thấy trên sườn núi dốc ở làng bản dân tộc thiểu số, nay được đặt trong một không gian đô thị lịch sử, tạo nên nét độc đáo cho cảnh quan kiến trúc đô thị cổ Phượng hoàng.

2Đặc trưng tổ chức không gian chức năng

Lối kiến trúc Điếu cước lâu cho phép người sử dụng vừa dùng làm nơi để ở, vừa làm nơi kinh doanh
Lối kiến trúc Điếu cước lâu cho phép người sử dụng vừa dùng làm nơi để ở, vừa làm nơi kinh doanh

Ở Phượng Hoàng cổ trấn thường cao 3 tầng, quy mô mặt bằng vừa phải. Tầng dưới cùng trước đây dành cho vật nuôi, nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất. Các sàn tầng trên dành cho các sinh hoạt gia đình, làm nghề thủ công và tầng sát mái là nơi cất giữ đồ đạc, lương thực. Cách tổ chức không gian trên mặt bằng, đặc biệt là tầng dành cho sinh hoạt gia đình, cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống của người Miêu. Nhà thường được chia thành 3 gian, trong đó gian giữa lớn nhất, sẽ là sảnh đường chính, nơi đặt bàn thờ, phía trong bố trí phòng ngủ cho người cao tuổi của gia đình. Các gian bên sẽ được chia thành các không gian chức năng như bếp sưởi, bếp nấu ăn, phòng ngủ, hành lang… Cửa nhà được mở ở mặt hướng ra đường phố, phía mặt sông thường mở cửa sổ hoặc ban công. Nội thất nhà thường có nhiều chi tiết trang trí mang tính chất tập quán tín ngưỡng của người Miêu như hình ảnh mặt trời, mặt trăng, thần núi…

Ngoài chức năng là không gian cho sinh hoạt, sản xuất truyền thống của dân tộc, các kiến trúc Điếu cước lâu ở cổ trấn Phượng hoàng còn có thêm chức năng của một ngôi nhà ở đô thị, đó là nơi buôn bán, giao lưu thương mại. Chính vì thế, các phòng chức năng hay phần không gian tiếp giáp với đường phố không hoàn toàn khép kín như thông thường mà có tính mở, gắn kết với đường phố. Cửa sổ, cửa đi ở mặt phố được mở lớn cùng với mái hiên vươn rộng để có thể sử dụng làm cửa hàng hay quán xá. Điều này cũng làm cho hình thức không gian bên trong nhà phần nào biến đổi. Từ một cấu trúc được phân chia khá rõ ràng, mạch lạc và tương đối khép kín, ranh giới các phần trong và ngoài nhà, giữa không gian chung và riêng của các ngôi nhà trở nên linh hoạt hơn, đáp ứng các hình thức hoạt động phong phú trong đời sống của con người ở đô thị cổ.

Cho đến ngày nay, không gian chức năng của các điếu cước lâu truyền thống ở Phượng Hoàng cổ trấn vẫn đang tiếp tục biến đổi do ảnh hưởng của chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của chính quyền và những thay đổi trong phương thức sinh hoạt của cư dân địa phương.

3Đặc trưng kết cấu và vật liệu sử dụng

Các Điếu cước lâu ở Phượng Hoàng cổ trấn cơ bản vẫn giữ nguyên hình thức kết cấu và vật liệu đặc trưng truyền thống. Một phần sàn nhà phía mặt sau có cột chống kiểu nhà sàn, còn lại phần lớn sàn vẫn được đặt trực tiếp trên mặt đất có hệ cột kèo gỗ tạo nên hệ khung chịu lực chính. Các cột được chống lên nền đá hoặc các chân tảng vừa tạo sự chắc chắn vừa chống được mối mọt, ẩm mốc. Với cấu trúc này, nhìn chung toàn bộ ngôi nhà có kết cấu vững chắc và an toàn, ngược lại với cảm giác khá chênh vênh do dáng vẻ bề ngoài mang lại. Vật liệu sử dụng thường là loại gỗ thông làm cột kèo khung nhà, đá cuội xây nền, và gạch, ngói nung từ đất sét, đều là những vật liệu có thể dễ dàng khai thác ở địa phương.

Trong ngôi nhà Điếu cước lâu truyền thống, thân nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ. Tuy nhiên, ở Phượng Hoàng có một yếu tố biến đổi khá đặc biệt trong kết cấu và vật liệu sử dụng, đồng thời ảnh hưởng đến hình thức kiến trúc mặt ngoài của Điếu cước lâu – Đó là sự xuất hiện của tường hồi xây gạch chịu lực. Do các ngôi nhà không đứng độc lập mà tạo thành dãy dài san sát kiểu phố thị nên hai bên nhà sẽ có những diện tường bên tiếp giáp nhau. Tại vị trí này, người Miêu đã áp dụng kiểu tường gạch chịu lực của nhà người Hán cho kiến trúc Điếu cước lâu của mình. Các tường hồi bằng gạch được xây vượt cao lên so với mái nhà và giật cấp theo độ dốc mái theo cách thức tường ” yên ngựa ” của kiến trúc ” Huy phái ” , lối kiến trúc có nguồn gốc nhà ở của người Hán khu vực Huy châu, tỉnh An Huy. Tường hồi này được xây nhô cao, phần đỉnh lợp ngói. Các đầu tường được vuốt cong vút hướng về hai phía tạo thành hình giống yên ngựa nên chi tiết này gọi là tường ” yên ngựa “. Các mặt tường trang trí hoa lá khá cầu kỳ, kĩ lưỡng.

Giải pháp xử lý này thực sự mang đến nhiều ưu điểm mới cho ngôi nhà về mặt sử dụng. Tường gạch dày có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt nên nó đảm bảo sự kín đáo, riêng tư cho mỗi ngôi nhà. Sự kết hợp của kết cấu tường hồi gạch chịu lực áp sát nhau liên kết với hệ khung gỗ trong từng ngôi nhà làm cho kết cấu của từng ngôi nhà hay của tổng thể cả dãy phố trở nên vững chắc, ổn định hơn. Đặc biệt, việc các ngôi nhà bằng gỗ đặt liền sát nhau với số lượng lớn sẽ gia tăng nguy cơ hỏa hoạn, khi đó tường ” yên ngựa ” sẽ là một giải pháp ngăn chặn cháy lan từ nhà này sang nhà khác một cách hiệu quả. Đây cũng là chức năng chính của các tường ” yên ngựa ” trong các kiến trúc nhà ở theo phái An Huy.

Độc giả đến tham quan Phượng Hoàng cổ trấn đừng chỉ coi như đây là một địa danh du lịch nổi tiếng, mà đây còn được coi là một biểu tượng ” sống ” cho nét kiến trúc Độc cước lâu độc đáo của người Miêu.

Trà Giang ( Tổng hợp )

cảnh đẹp, du lịch, Kiến trúc đẹp, nổi tiếng, Phượng Hoàng Cổ Trấn
Lễ động thổ xây dựng trường Đại học VinUni của tập đoàn Vingroup
Chính chủ bán căn hộ Viglacera 2 ngủ 1 vệ sinh giá rẻ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Fill out this field
Fill out this field
Vui lòng nhập địa chỉ email hợp lệ.

Khu đô thị hinode Royal Park Hanoi đang trong quá trình xây dựng các phân khu, hoàn thiện giao thông nội khu và các tiện ích. Dự kiến dự án sẽ mở bán vào đầu quý II/2020 với giá bán và chính sách bán hàng hấp dẫn. Các hạng mục chính của dự án Hinode Royal Park: biệt thự – liền kề, shophouse, chung cư…